Thứ Ba, 8 tháng 4, 2008

Hạnh phúc trong tầm tay

Hạnh phúc dường như rất gần trong tầm tay nếu thỉnh thoảng biết sống với một chút cảm xúc, thay vì chỉ toàn với cảm giác, hay tệ hơn nữa, chỉ với cảm tưởng.

Thời nào cũng thế, sự thật bao giờ cũng được tán dương. Ấy thế mà phim thần thoại, truyện thần tiên thời nào cũng ăn khách. Nếu cho là nhiều người thích mơ chuyện trên trời vì chẳng mất tiền mua thì sai. Bằng chứng là sách Harry Potter đắt giá vẫn tiếp tục chiếm trọn trái tim của độc giả mọi lứa tuổi.

Không thiếu người ngày ngày đặt hết hi vọng vào chuyện hão huyền nào đó như động cơ của cuộc sống. Có lẽ để cuộc đời không mỗi ngày như mọi ngày nhờ nguồn sảng khoái đâm chồi từ mầm ảo vọng! Đúng hay sai là quan điểm của mỗi người. Nhưng dưới góc nhìn của thầy thuốc thì có vài điểm nên lưu ý.

Thành thật với chính mình!

Trước hết, cảm xúc tự tạo và giả tạo là điều rõ ràng bất lợi về mặt sức khỏe. Theo một công trình nghiên cứu ở Đại học Harvard, người càng mơ điều khó thực hiện càng dễ đau khổ vì sớm muộn bao giờ cũng đi đến thất vọng, dù có khéo léo đánh lừa bản thân. Ngay cả số người ít ỏi thuộc nhóm may mắn hiếm có, như người trúng số độc đắc, cũng không mấy khi tìm thấy hạnh phúc vì cứ ray rứt với mặc cảm "trái thị rớt bị bà già”!

Các nhà nghiên cứu ở Boston sau công trình kéo dài hơn 10 năm với trên 5.000 đối tượng đã chứng minh thêm vài điều lý thú. Trước hết, cảm giác mãn nguyện với vận may chỉ thật sự bền vững ở người trước đó đã cố gắng tột cùng. Hơn thế nữa, nếu trước đó có nhiều lần thất bại thì niềm hạnh phúc càng tuyệt vời. Đâu có gì khó nếu thi trượt một lần rồi bỏ học. Hay là ở chỗ đang bị hạ đo ván bỗng đứng bật dậy khi trọng tài đã đếm đến … 9!

Trái lại với định kiến của nhiều người, đối tượng ngày đêm khoanh tay mong đợi thần tài gõ cửa thường cuối cùng chỉ còn trong tay nỗi dằn vặt tiếc nuối, vì chần chừ quá lâu trước quyết định được ăn cả ngã về không nên đã đánh mất nhiều cơ hội trong cuộc đời khiến tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Với số người này chung cuộc chỉ là tâm trạng bất mãn, ghét người, ghét đời thay vì ghét đúng thủ phạm! Một số ít trong nhóm này, nếu vận may còn chút lưu luyến, có thể trở thành nhà... phê bình, dù ai cũng hiểu phần lớn trong số họ thuộc nhóm chê thì hay chứ bắt tay vào việc thì thà đừng làm tốt hơn.

Hài lòng từng giây

Nếu xét riêng về mặt sức khỏe, theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành tâm lý, cảm giác sung sướng rất có lợi cho sức kháng bệnh nếu xuất phát từ tâm trạng hài lòng với mỗi may mắn nho nhỏ, với mỗi dấu hiệu từng bước cải thiện của tổng trạng. Nội tiết tố tạo nỗi lạc quan yêu đời endorphine dường như được tổng hợp tối đa ở người biết sao là đủ, với người "tri túc tiện túc hà thời túc".

Trái với người mơ chuyện chú Cuội cung trăng, kẻ biết hài lòng với từng niềm vui đơn giản, cho dù đó chỉ là tách cà phê trên lề đường với tri kỷ trong buổi chiều mưa, hay khi thưởng thức một bản nhạc ưng ý dù trên xe buýt nghẹt người, trong thực tế chính là người có sức sống mãnh liệt và sức đề kháng tối ưu. Nếu dùng ngôn ngữ bóng đá, đó là cầu thủ chơi trên sân nào cũng được, bất kể nắng mưa, bất kể vị trí, lúc nào cũng "tới luôn bác tài, còn chơi hết thôi" để nếu thua vẫn rời sân mà không phải cúi đầu.

Cho đời thêm vui

Tuy không nhất thiết đến độ phải bị Nguyễn Văn Vĩnh phê bình là chuyện gì cũng cười, nhưng tiếng cười cũng như giấc ngủ, càng thường càng tốt. Người biết khôi hài rõ ràng là người sung sướng, cho dù tiếng cười phải pha với dòng nước mắt. Các nhà nghiên cứu về cung cách ứng xử đã khẳng định là người quen xem chuyện gì cũng không nghiêm trọng là người ít bệnh, là người nếu bệnh mau lành, là người đã bệnh thì ít có biến chứng, nghĩa là lợi đủ mọi bề.

Hơn thế nữa, người dễ cười trước tình đời đen bạc vì thế thái nhân tình là người chẳng những không sợ stress mà còn có khả năng biến tình huống căng thẳng thành động lực của cuộc sống. Còn gì khỏe hơn khi thêm bạn bớt thù.

Hễ giận, cứ giận

Đừng tưởng hễ giận là xấu. Giận chuyện lớn xem vậy mà ít hại cho sức khỏe, nhiều khi còn làm tăng khả năng tư duy. Ngược lại, bực tức chuyện lặt vặt như kẹt xe, thiên hạ đàm tiếu, ganh tị trong sở làm… tưởng là chuyện thường tình nhưng lại là lý do nảy sinh đủ loại bệnh chứng. Theo kết quả nghiên cứu ở Đại học Zurich, không dưới 50% bệnh tâm thể, trong số đó cao huyết áp chiếm hàng đầu, là do tình trạng "giận căm gan" hay "tức cành hông" mà không thể xả xú báp.

Không lạ gì khi một anh chàng ở Hamburg, miền bắc nước Đức, kiếm bộn tiền nhờ biết cách biến bãi chứa xe phế thải thành nơi cho người ấm ức đến đập phá thả cửa, tất nhiên sau khi mua vé vào cửa với giá cắt cổ! Thống kê ở Đức cũng cho thấy là người hét lớn mỗi khi lên cơn tam bành ít bị nhồi máu cơ tim hơn số đối tượng tức muốn chết mà không thể mở miệng! Hậu quả là mạch máu trên vành tim đến lúc nào đó đành nghẹn lời cùng gia chủ.


Hieu_voip <>

Không có nhận xét nào: